Sẽ xuất hiện nhiều dự án đô thị đón đầu các khu vực chuẩn bị xây 4 cây cầu lớn qua sông Hồng và sông Đuống. Trong đó, cả 4 dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng –chuyển giao BT.
Những cây cầu bắc qua sông ngàn tỷ đồng
Trong số 4 dự án cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống mà TP Hà Nội sắp triển khai xây dựng đáng chú ý nhất là dự án xây dựng cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng nối khu vực trung tâm quận Tây Hồ với khu vực mới đang phát triển ở huyện Đông Anh, cây cầu trị giá 17.000 tỷ đồng.
Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 13/9 vừa qua, tổng mức đầu tư các dự án này quá lớn, khoảng 38 nghìn tỷ đồng nên ngân sách thành phố không làm được mà phải tính đến phương án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó, dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến đầu tư theo hình thức BOT, còn lại các dự án khác đều đầu tư theo hình thức BT. Thành phố sẽ giao hàng trăm hecta đất cho các nhà đầu tư để đối ứng. Theo ông Tuấn, với các khu đất này, nhà đầu tư có thể đầu tư các công trình, khu đô thị, nhà ở vì thành phố đã quy hoạch một số khu vực đất này thành khu đô thị…
Theo đó, 4 cầu mới được xây dựng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) gồm: Cầu Tứ Liên (quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 17.000 tỉ đồng, Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng (quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm) với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng, Cầu Giang Biên (huyện Gia Lâm) và đường dẫn hai cầu, tổng mức đầu tư trên 6.000 tỉ đồng, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên) với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỉ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí để đầu tư xây dựng mới 4 cây cầu lớn này là 32.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,4 tỷ USD). Theo loại hình hợp đồng BT thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác.
Để có kinh phí xây dựng 4 cây cầu này, Hà Nội dự kiến sẽ phải thanh toán cho các nhà đầu tư quỹ đất dự kiến là 836ha. Quỹ đất này thuộc địa phận của 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên đều nằm ở khu vực phía Bắc Thủ đô.
Cụ thể quỹ đất này nằm rải rác tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh); các xã Yên Thường, Yên Viên, Dương Xá, Đông Dư, Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) và các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên)…
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản đề xuất một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô để triển khai dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường bức xúc dân sinh. Trong hàng loạt dự án về giao thông, Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhiều cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông Thủ đô, kéo giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.
Trong các dự án cầu vượt sông Hồng, sông Đuống mà UBND thành phố Hà Nội đề xuất xin cơ chế đặc thù, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đáng chú ý có dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng. Theo tờ trình của Hà Nội, công trình này dài 3km mặt ngang 20m với tổng số tiền đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, hoàn thành vào năm 2019.
Những dự án đô thị sẽ hình thành trong tương lai
Để xây dựng những cây cầu vượt sông này, dự kiến nhà đầu tư dự án sẽ được khai thác quỹ đất tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) với 34ha; quỹ đất tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) 78,4ha; quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (quận Long Biên) với 320ha và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước khoảng 135ha. Có nghĩa tổng quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư đối với dự án xây cầu này là khoảng gần 600ha đất.