Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng để đón ”sóng” đầu tư

Quy hoạch và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng để đón “sóng” đầu tư là ưu tiên hàng đầu của huyện Mê Linh nhằm sớm đạt mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng ủng hộ TP.HCM sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức

Tuyến đường từ Trung tâm hành chính huyện Mê Linh đi Thị trấn Chi Đông (giai đoạn 1) được hoàn thành năm 2019. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Xác định điều kiện tiên quyết để sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Thủ đô, thời gian qua, huyện Mê Linh đã tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, đón “sóng” đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, các cấp chính quyền huyện Mê Linh đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể trong việc chỉ đạo, quản lý, triển khai thực hiện các công trình, dự án đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng nhằm từng bước cải thiện bộ mặt đô thị cũng như nâng cao đời sống của nhân dân.

Đổi thay từ đường làng, ngõ xóm

Sau hơn 10 năm sáp nhập địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2018 của Quốc hội, huyện Mê Linh đã đầu tư làm hơn 430km đường giao thông liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm và trục chính nội đồng với tổng kinh phí hơn 1.158 tỷ đồng, nâng tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa toàn huyện đạt 95%.

Huyện xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hàng chục trường học với tổng kinh phí hơn 2.261 tỷ đồng, nâng số trường đạt chuẩn toàn huyện lên 50/73 trường.

Nhà văn hóa, công trình thủy lợi, hệ thống điện, nước sạch… cũng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Nhờ có hệ thống hạ tầng khung phát triển, nhiều nơi trên địa bàn huyện đã thay đổi từng ngày. Người dân có nhiều cơ hội để kinh doanh giúp kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển.

Chỉ tính riêng năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh đã thực hiện khởi công mới 24 dự án với tổng kế hoạch vốn được giao đạt trên 550 tỷ đồng; trong đó, nhiều dự án, công trình lớn đã hoàn thành đạt chất lượng cao, vượt tiến độ, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của huyện như tuyến đường Quang Minh, đường từ Trung tâm hành chính huyện đi Trung tâm văn hóa thể thao huyện, tuyến đường từ đường 35 đi cầu Thống Nhất, các dự án xây dựng trường học… Mê Linh đã lọt vào tốp cao của thành phố về giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh nguồn vốn do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ủy thác, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh đã ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án do Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn làm chủ đầu tư với khoảng 165 dự án nguồn vốn của địa phương.

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai thực hiện, Ban đã chủ động tổ chức hội nghị để hướng dẫn, bàn bạc, tháo gỡ khó khăn, thống nhất phương pháp làm việc để nâng cao chất lượng công trình.

Ban đã thành lập tổ chuyên trách để giao nhiệm vụ theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ đầu mối” nên công tác quản lý dự án cho Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả.

Hạ tầng – “điểm tựa” đi lên

Năm 2020, với 9 dự án được giao làm chủ đầu tư khởi công mới với tổng số vốn được bố trí gần 206 tỷ đồng, mặc dù, bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh COVID-19, song, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh đã chủ động hoàn thiện các thủ tục xây dựng cơ bản đảm bảo đúng quy trình, quy định để sớm khởi công xây dựng công trình.

Lễ gắn biển công trình kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô – trường Mầm non Hoàng Kim, huyện Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Tính đến tháng 6/2020, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tập trung của thành phố như cải tạo, nâng cấp trường Trung học phổ thông Mê Linh và trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh, huyện đã hoàn thành công tác phê duyệt kế hoạch đấu thầu, thẩm định và phê duyệt thiết kế-dự toán, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, phấn đấu khởi công trong tháng 6/2020.

Dự án xây dựng tuyến đường từ khu trung tâm hành chính huyện Mê Linh đi khu trung tâm văn hóa thể thao huyện (giai đoạn 1), đã hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp, đang tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu, phấn đấu khởi công đầu tháng 8/2020.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường Chi Đông-Kim Hoa (giai đoạn 2) cũng hoàn thành việc lập thiết kế bản vẽ thi công đang trình thẩm định và phê duyệt, phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công dự án trong quý 2/2020…

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh, trong những tháng đầu năm 2020, do thực hiện giãn cách xã hội vì những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên tiến độ hoàn thành các thủ tục từ khâu thiết kế, thẩm định đến lựa chọn nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng; năng lực một số đơn vị tư vấn còn hạn chế dẫn đến hồ sơ sau khi hoàn thành phải sửa chữa nhiều lần.

Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Để đáp ứng tốt hơn nữa trong quá trình chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh Phạm Anh Tuấn sẽ tham mưu với lãnh đạo huyện cắt giảm một số thủ tục trong quá trình đầu tư theo tinh thần “trong trường hợp có vướng mắc từ các khâu chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng,… nếu thuộc thẩm quyền sẽ được xem xét giải quyết và tháo gỡ, rút ngắn thủ tục ngay theo thứ tự ưu tiên cho từng lĩnh vực từng thời điểm.”

Ban cũng đề xuất, kiến nghị Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn quan tâm phối hợp để giải quyết các thủ tục thuộc các dự án; xem xét có ý kiến đề nghị với thành phố và cấp có thẩm quyền cho chủ trương giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án tại thị trấn Quang Minh (đất dịch vụ Gia Tân, Giai Lạc); đồng thời, sớm chấp thuận về chính sách giao đất dịch vụ đối với các xã còn lại làm cơ sở để Ban triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng.

Trước mắt, huyện đề nghị thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương để huyện triển khai ngay một số dự án tại thị trấn Chi Đông và xã Tiền Phong nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch giao đất cho nhân dân ngay sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận về chính sách giao đất.

Cùng đó, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư 3 tuyến đường xây dựng hạ tầng khung và 1 trường Trung học phổ thông mà Ủy ban Nhân dân huyện đã hoàn thành công tác thẩm định chủ trương đầu tư gồm: xây dựng tuyến đường Tiền Phong-Tự Lập (giai đoạn 1); xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 23 đi Cảng Chu Phan; xây dựng tuyến đường tuyến đường 48m, từ Yên Vinh đi đường 36 Khu Công nghiệp Quang Minh; cải tạo, nâng cấp trường Trung học phổ thông Tự Lập.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng chia sẻ, về lâu dài, huyện có kế hoạch đầu tư hệ thống đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, với nguồn lực đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến khối lượng công việc nhiều, trong khi nguồn nhân lực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giám sát dự án, giải ngân vốn…còn hạn chế nên sẽ là áp lực không nhỏ đối với những bộ phận liên quan trực tiếp đến quản lý, điều hành dự án.

Vì vậy, huyện đề nghị thành phố xem xét, chấp thuận giao Ủy ban Nhân dân huyện làm chủ đầu tư, tạo điều kiện về vốn cho các dự án phát triển hạ tầng này…

Vững định hướng hạ tầng là then chốt, là “điểm tựa” phát triển, cùng sự tháo gỡ kịp thời có hiệu quả của các cấp, các ngành thành phố, huyện Mê Linh đang nỗ lực phát huy lợi thế, thu hút đầu tư để sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Thủ đô./.

Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *